Lớn lên trong nghèo khó, học hành dở dang, lấy chồng năm 19 và đổ vỡ…, diễn viên Kiều Trinh của các phim Mùa len trâu, Rừng đen, Bi - đừng sợ lại sống rất cả tin, nên đời chị đến giờ vẫn đa đoan, lận đận.
Kiều Trinh là một diễn viên có danh. Khoảng 2007 tôi xem chị đóng vai Bân trong Mùa len trâu, ấn tượng mãi với cái lối diễn ngọt quá chừng của chị. Con mắt ươn ướt, buồn buồn, xa xăm, cái miệng rộng, cười duyên. Người ta bảo đàn bà như thế thường lụy tình!
Hồi đó, tôi nghĩ, đóng ngọt như thế, hẳn chị được đào tạo bài bản lắm. Sau này mới biết, đó là vai diễn đầu tiên của chị. Vai diễn mở đường và đưa chị đến với con đường nghệ thuật thứ 7, nhẹ tênh. Cái hôm đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh tuyển diễn viên ở Hãng phim Giải Phóng, Kiều Trinh đang ngồi chơi với anh Lê Quang (vai tư Võ Tòng – phim Đất phương Nam) thì anh tư kêu chị “Trên lầu người ta đang tuyển diễn viên Mùa len trâu, hay mày sắp xếp lên coi thử cho vui!” Nghe lời anh tư, chị đi thử, nghĩ là đi cho biết chứ cũng chả hy vọng gì xa xôi. Vậy mà, chị trúng vai thật.
Niềm vui chưa kịp thấm thì nỗi đau bất ngờ ập tới. Ba chị đột quỵ, chị thứ hai thì bị người ta cướp mất nhà, chữ nghĩa lại không biết, chỉ cậy vào mỗi chị. Rối rắm, chị khóc xin bỏ vai diễn. Đạo diễn không chịu. Và cũng may mắn trong sự nghiệt ngã đó, chị còn có bờ vai của má đỡ đần, nếu không, chắc chẳng có một diễn viên Kiều Trinh được nhiều người biết đến như hôm nay.
7 tuổi, chị em chị đã biết tự đùm bọc, líu ríu dỗ dành nhau trong căn nhà vắng hơi người khi ba má chị dắt hai anh đang tuổi lớn lên Bình Long – Bình Phước lập nghiệp. Hè năm đầu tiên được lên thăm ba má, hai chị em chị cứ thế ôm nhau khóc suốt. Giọt nước mắt con trẻ sao mà nhiều nỗi niềm!
|
Trong phim “Rừng đen”. |
3 năm sau ba má chị đón hai chị em lên. Bình Long “nắng bụi mưa bùn”, bốn phía cao su bạt ngàn. Nắng thì đổ lửa, bụi mù trời, rát mặt người. Bụi vương trên tóc, bám vào cả chiếc áo trắng học trò tinh tươm. Nắng ăn vạt da, vàng cả tóc. Mưa thì như trút. Đất đỏ nhét đầy kẽ móng tay, móng chân. Mấy anh chị em chị chẳng ai có được đôi dép ra hồn. Căn nhà dựng tạm từ cỏ tranh của ba má chị tả tơi trong mưa nắng.
Lên lớp 9, chị xin nghỉ học, về lại quê cũ học may vá, rồi dạt lên Sài Gòn làm đủ nghề kiếm sống, từ phục vụ, rửa chén, tới làm công nhân may da giày. Chính đôi mắt đen láy, ươn ướt và khuôn miệng hay cười của chị đã hút hồn một chàng trai đất Sài Gòn trong lần gặp tình cờ. 19 tuổi, chị bước chân theo chồng với nguy cơ rạn vỡ tiềm tàng. Hạnh phúc chưa tày gang, chồng chị giao du với người xấu, bỏ mặc chị con xách nách mang, bức bí trong vòng quay cơm áo gạo tiền. Những trận đòn của chồng, sự xét nét của phía nhà chồng khiến chị càng vùng vẫy càng đuối sức, dần trở nên câm lặng và chấp nhận chìm vào số phận.
Nhưng, mọi sự lẩn khuất, đè nén cũng có ngày trỗi dậy. Ngày con gái chị bi bô nói cười cũng là lúc chị bừng tỉnh. Chị kết thúc chuyện hôn nhân nhẹ nhàng, chóng vánh như cái cách nó đã đến. Kiều Trinh về ở tạm nhà một người chị bên quận 7. Được mấy tháng thì chị của chị vỡ nợ, trốn đi, gửi lại đứa con trai 7 tuổi cho chị nuôi nấng. Chị như con thoi xoay ngang, xoay dọc kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Gánh nặng cơm áo quẩn quanh, choáng ngợp tâm trí khiến chị không dám nghĩ đến cả tương lai.
|
Trong phim “Bi - đừng sợ”. |
Kiều Trinh cày phim rất dữ. Sáng chưa tỏ mặt người đã tạch tạch trên chiếc xe cùi bắp ra phim trường tới 1-2 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà. Có lẽ cái thời cơ cực trước đó đã rèn cho chị sức khỏe và lòng kiên nhẫn đến thế. Hồi chưa nổi danh, 5 giờ sáng, chị đã dậy lo cơm nước, rồi cọc cạch đạp xe đưa con đi nhà trẻ, đưa cháu tới trường. Xong xuôi, lại đạp xe từ quận 7 qua xí nghiệp ở quận 6. 5 giờ chiều lại tất tả chạy về quận 1 làm phục vụ tới 1 giờ khuya. Lúc đóng xong Mùa len trâu, cuộc sống của chị vẫn không có gì thay đổi cho đến khi phim liên tục gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế thì chị mới bắt đầu được nhiều người biết đến. Tiếp theo là Rừng đen, Bi - đừng sợ… tên tuổi chị lại vang lên trong các liên hoan phim uy tín.
Gần 10 năm đi đóng phim, vai chính có, phụ có, lớn có, nhỏ có. Nên, nghe chị bảo vẫn ở nhà thuê và ráng cày để trả nợ, ai cũng giật mình, tưởng chị hoặc có khiếu hài hước, hoặc ăn xài quá độ. Có biết đâu nỗi niềm đắng chát của chị…
Ky cóp được ít tiền, định mua căn nhà nho nhỏ trong hẻm, vậy mà chị bị người ta cuỗm mất tiền cọc. Đúng lúc ấy, má chị bị ung thư, chị quỳ lạy xin lại số tiền đặt cọc để đưa má đi viện mà không được. Má chị mất 3 tháng sau đó. Vòng xoáy này chưa qua, vòng xoáy khác đã ập đến…
Một tay đạo diễn có danh hỏi mượn tiền chị, hắn bảo là vợ bị bệnh hiểm nghèo. Thương bạn, chị đứng ra vay giúp, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, một mình chị gánh, đến nỗi khi con gái vào lớp 10, không đủ tiền cho con đi học. Sau vỡ lẽ, tay ấy bịp. Đòi mãi không được, chị phải chạy sấp chạy ngửa gặp vài người thân thiết với con nợ để… nhắc khéo. Tôi hỏi đùa chị, sao không nhờ truyền thông lên tiếng đòi nợ giúp. Chị buồn buồn: “Dù gì cũng là bạn mình, làm như thế, người ta mất hết uy tín, sự nghiệp! Còn nước còn tát, em ạ!”.
Sau này, tôi gọi hỏi thăm chị, tay đạo diễn ấy vẫn khất nợ dù đang sống rất phởn phơ. Tôi không biết, gã ấy, nhìn chị chạy đôn chạy đáo trả nợ cho mình thì có chút mảy may nào cắn rứt không?
Kiều Trinh thở dài, đôi mắt mệt mỏi, kèm theo những cơn đau đầu sau vụ tai nạn xe hồi Tết. Vết sẹo chạy dài trên trán chị. “Tại mình tin người! Sau này không dám ôm nợ giúp ai nữa!”. Nói là nói vậy, chứ ai gặp chị mà than nghèo kể khổ, chị lại mủi lòng. Chợt nghĩ, phải chi, chị “dữ dằn” một chút, cứng rắn hơn một chút, quyết liệt hơn một chút, có lẽ giờ chị đã có một mái nhà nho nhỏ cho riêng mình chứ không phải vừa ở nhà thuê, vừa “cày” phim, vừa trả nợ oan như thế. Thế nhưng, đâu phải lúc nào cũng có thể nói “giá như”?